Gia Lai: Phát triển vùng nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê

Những ngày này, Nhà máy Đường An Khê đang tập trung chuẩn bị mọi điều kiện cho việc vận hành vụ ép mới vào ngày 15-11 đến. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ nâng cấp dây chuyền sản xuất, đơn vị còn tích cực ra quân làm đất, trồng mía, không ngừng mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trong niên vụ 2016-2017.

Nâng công suất chế biến

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Trưởng phòng Đầu tư-Nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê, cho biết: Thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất cũng như đảm bảo công tác thu mua mía trong vùng nguyên liệu, tạo sự an tâm cho người trồng, niên vụ 2016-2017, Nhà máy Đường An Khê quyết định nâng công suất chế biến. Theo đó, ngay từ khi kết thúc vụ ép 2015-2016, Nhà máy đã bắt tay vào việc tháo dỡ thiết bị, lắp đặt dây chuyền sản xuất mới với công nghệ hiện đại của các nước Anh, Ý, Nhật. “Toàn bộ dây chuyền 2.000 và 4.000 tấn mía cây/ngày được tháo gỡ để thay thế bằng các thiết bị lớn hơn với công suất thiết kế 12.000 tấn mía cây/ngày. Cộng với thiết bị chủ là 6.000-10.000 tấn mía cây/ngày thì tổng công suất thiết kế của Nhà máy khi đi vào sản xuất là 18.000-22.000 tấn mía cây/ngày” – ông Phước cho hay.

gia-lai-phat-trien-vung-nguyen-lieu-nha-may-duong-an-khe-750x500
Nhà máy Đường An Khê đã đầu tư thêm hàng loạt thiết bị nông nghiệp để phục vụ sản xuất mía. Ảnh: H.T
Từ giữa tháng 5-2016 đến nay, mỗi ngày, hàng ngàn cán bộ, công nhân, kể cả các chuyên gia, kỹ sư trong và ngoài nước đã chia ca lao động, túc trực làm việc tại công trường 24/24 giờ nhằm đảm bảo kịp thời gian bước vào vụ ép mới. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công đã đạt khoảng 90%.

Song song với nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện đại, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi còn đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sinh khối An Khê. Tổng kinh phí cho 2 dự án này là 3.600 tỷ đồng. Đây được xem là công trình sản xuất điện năng sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Bởi lẽ, nó tận dụng tất cả bã mía sau ép để đốt lò sinh điện, vừa giải quyết được bài toán rác thải, vừa tạo ra được một lượng phân bùn đáng kể từ tro bã để bón cho cây. Nhà máy Nhiệt điện này có tổng công suất thiết kế là 80 MW, gồm 3 tổ máy với công suất lần lượt: 15 MW, 40 MW và 55 MW. Không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất của Nhà máy Đường An Khê, điện năng tạo ra sẽ được hòa vào lưới điện quốc gia dự kiến vào cuối năm 2016.

“Việc tận dụng bã mía thừa để sản xuất điện sẽ góp phần giữ ổn định giá trị của cây mía trên vùng nguyên liệu, ngay cả khi giá đường xuống thấp. Đây là cơ sở giúp bà con nông dân yên tâm đầu tư phát triển cây mía” – ông Phước khẳng định.

Tổng diện tích thực hiện cơ giới hóa trong 5 năm qua của Nhà máy Đường An Khê là 21.488,7 ha. Trong đó:
– Cơ giới hóa trồng máy 7.626,1 ha; năng suất bình quân 85 tấn/ha (riêng diện tích cánh đồng lớn 2.029,6 ha; năng suất bình quân 100 tấn/ha).
– Cơ giới hóa trồng thủ công 6.679,2 ha; năng suất bình quân 70 tấn/ha.
– Cơ giới hóa chăm sóc, bón phân 7.183,4 ha.
Đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu

Những năm qua, vùng mía các huyện, thị xã khu vực Đông Gia Lai đã thay đổi rất lớn từ diện tích, quy mô sản xuất đến năng suất, chất lượng mía. Người trồng mía đã tăng được lợi nhuận, có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công nghiệp. Doanh nghiệp chế biến có nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành sản xuất giảm, bảo đảm cạnh tranh trong thời kỳ kinh tế hội nhập.

Tuy nhiên, theo tính toán của Nhà máy Đường An Khê, hiện trên toàn vùng nguyên liệu có khoảng 1,6 triệu tấn mía. Khối lượng này mới chỉ đáp ứng được 60% công suất thiết kế mới của Nhà máy. Do đó, theo ông Phước, Nhà máy Đường An Khê sẽ tiếp tục đầu tư, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ có lợi cho người trồng để khuyến khích bà con nông dân phát triển cây mía. Phấn đấu đến năm 2020, Nhà máy sẽ có một vùng nguyên liệu mía dồi dào với 35.000 ha, tăng gần 9.000 ha so với hiện nay.

Để đạt được con số trên, cùng với các giải pháp như sinh học hóa (nghiên cứu đưa giống mía mới vào trồng), hóa học hóa (áp dụng công thức bón phân hiệu quả, tiết kiệm), Nhà máy Đường An Khê đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch mía. Kế tiếp thành công trong những năm vừa qua, niên vụ 2016-2017, Nhà máy Đường An Khê đã đầu tư thêm hàng loạt máy kéo, thiết bị nông nghiệp và máy thu hoạch mía. Đến nay, Nhà máy có khoảng 200 máy kéo các loại, 500 máy-thiết bị nông nghiệp cày bừa và 10 máy thu hoạch liên hợp. Về năng lực máy, niên vụ này đã tăng thêm trên 50% so với niên vụ 2015-2016; nhân lực phục vụ từ 350 đến 500 lao động để sử dụng, vận hành máy móc.

Phát biểu tại lễ ra quân cày đất, trồng mía niên vụ 2016-2017 mới đây, ông Nguyễn Đình Chỉnh – Giám đốc Xí nghiệp Cơ giới Nông nghiệp An Khê cho biết: “Xí nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ máy móc và nhân lực sẵn sàng cùng với bà con cày, bừa, trồng, chăm sóc vụ mía mới, tối thiểu theo các chỉ tiêu giao ước với Nhà máy Đường An Khê, gồm: làm đất để trồng mới 5.000 ha, trồng mía bằng máy 4.000 ha, chăm sóc 5.000-7.000 ha, thu hoạch bằng máy 120.000-150.000 tấn mía”.

“Đến giờ này, chúng tôi đã cày được 700/4.000 ha theo kế hoạch mở rộng, chủ yếu tập trung ở các xã phía Nam của huyện Kông Chro. Riêng các khu vực khác trên địa bàn 4 huyện, thị xã máy móc đều đã được bố trí sẵn sàng, chỉ chờ đất ráo là bắt tay cày trồng ngay. Hầu hết diện tích trên được nông dân chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả như bắp, mì sang trồng mía” – ông Phước nói thêm.
Theo Baogialai.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.